Từ Hà Nội vào Thanh Hóa bằng xe khách hoặc tàu lửa đều thuận tiện. Xe khách khởi hành từ bến Mỹ Đình, Giáp Bát, các nhà xe như Hải Hiền, Hiền Hoa… cũng nhận đặt chỗ và hẹn địa điểm trước. Giá vé xe khách từ 60.000-100.000 đồng (tùy xe ghế ngồi hoặc giường nằm).
Xe khách thường dừng ở TP.Thanh Hóa nên có thể chuyển xe buýt để xuống Sầm Sơn, khoảng 10-15 phút sẽ có 1 chuyến. Nếu đi tàu thì giá vé 70.000-120.000 đồng tùy ghế cứng hay mềm. Ga Thanh Hóa chính là bến chính của xe buýt đi Sầm Sơn nên cũng rất thuận tiện.
Nếu du khách đi theo đoàn và không tự tổ chức thành tuor được thì có thể liên hệ với các công ty lữ hành của Sầm Sơn đặt văn phòng tại Hà Nội, giá trọn gói chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/khách, trong 3 ngày 2 đêm
Trước khi đi du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa nghỉ mát bạn nên bỏ túi những kinh nghiệm sau. Sẽ rất hữu ích đấy
Chọn chỗ ở
Sầm Sơn có trên 3.500 cơ sở lưu trú với 8.000 phòng, tiêu chuẩn 2-4 sao, giá khoảng 400.000 đồng/ngày đêm trở lên. Nếu muốn một không gian riêng và dịch vụ tốt thì có thể đến Vạn Chài resort tại khu sinh thái Quảng Cư, giá phòng từ 1,4-8,8 triệu đồng/ngày đêm.
Với ngân sách vừa phải, có thể chọn các khách sạn trên dường Hồ Xuân Hương sát mép biển để tiện tắm biển và ngắm bình minh. Muốn có phòng giá rẻ, có thể tìm các khách sạn, nhà nghỉ cách bãi biển 500-700 m sẽ có phòng giá chỉ 200.000-250.000 đồng/ngày đêm.
Tham khảo kinh nghiệm du lịch Sầm Sơn do công ty du lịch Khát Vọng Việt tổ chức https://dulichkhatvongviet.com/kinh-nghiem-du-lich-bien-sam-son/
Ăn hải sản
Đây chính là công đoạn du khách dễ bị “chặt chém” nếu chủ quan trong chọn món. Hầu hết các nhà hàng đều niêm yết giá nhưng trước khi gọi, cần hỏi kỹ giá từng món. Ví dụ, muốn gọi mực khô thì nhất định phải hỏi giá và tự tay chọn mực, sau đó yêu cầu nướng nguyên con, tránh bị đánh tráo.
Nếu mua cua bể rồi nhờ các chủ quán luộc thì nên giám sát nhà bếp, đừng để họ đổ nhiều nước, cho nhiều muối làm cua bị chát, õng nước, mất ngon, sau đó nói rằng chỉ có cua của họ mới ngon.
Giá cả tại các bãi A, B, C thường cao hơn so với ở bãi D do bãi này ít khách lưu trú. Vì vậy, có thể đi xe điện đến khu vực này hoặc khu sinh thái Quảng Cư để thưởng thức hải sản. Hàng quán ở đây dựng giữa rừng phi lao sát biển nên thoáng mát, yên tĩnh.
Tìm chỗ chơi khám phá khu du lịch Sầm Sơn
Ngoài bãi tắm, Sầm Sơn còn có núi Trường Lệ cao 76 mét nằm sát biển với các vách đá dựng đứng hùng vĩ và lãng mạn. Trên núi có đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành… hoặc nền móng những biệt thự Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20. Cũng không nên bỏ qua hòn Trống Mái, một biểu tượng của Sầm Sơn trên núi.
Trên núi Trường Lệ còn có nhiều bãi cỏ rộng, nhiều bóng thông già mát rượi, phía dưới là những ghềnh đá đầy sóng bạc đầu, là điểm cắm trại và vui chơi ngoài trời lý tưởng. Dưới cùng là Vụng Tiên hoang sơ, vắng vẻ, là bãi “tắm tiên” tự phát ít người biết đến.
Để không bị “luộc”
Trên bãi biển Sầm Sơn thường có những lâu đài cát rất đẹp của các thợ ảnh. Nếu bạn đứng cạnh để chụp ảnh, họ sẽ đòi nhiều tiền. Nếu muốn chụp, hãy hỏi trước, khi đó chỉ phải trả 5.000-10.000 đồng cho một kiểu ảnh.
Muốn mua hải sản, có thể đến chợ Cột Đỏ, P.Trường Sơn. Lưu ý là không nên nhờ taxi, xe ôm, xe xích lô vì họ có thể ăn phần trăm của các hàng hải sản khiến giá đắt lên khoảng 20%.
Ngoài ra, trên đường trở về có thể dừng tại TP.Thanh Hóa và vào chợ Điện Biên trên đường Phan Chu Trinh để mua đủ loại hải sản với giá tốt. Muốn mua nem chua đặc sản thì đến đầu đường Trường Thi tìm các cửa hàng Tím Diệp và Thủy, là hai hãng nem ngon có tiếng ở Thanh Hóa.
Nếu đã thuộc hết các “mẹo” kể trên mà vẫn bị chặt chém, hãy gọi cho số điện thoại 0913.568.937. Đây là số điện thoại do đích thân Chủ tịch và Phó chủ tịch TX.Sầm Sơn túc trực để xử lý các tiêu cực trong hoạt động du lịch, nhất là các vụ chặt chém, ép khách. Trước khi đến Sầm Sơn, hãy “thủ” sẵn số điện thoại này, phòng khi hữu sự!