Du lịch Sầm Sơn dâng hương đền Độc Cước

Du lịch Sầm Sơn – Du khách đến Sầm Sơn ngoài tắm biển thường không quên ghé thăm đền Độc Cước rất nổi tiếng nơi đây. Đền Độc Cước thờ vị thần cùng tên, xuất hiện trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xẻ đôi thân mình để vừa đánh giặc quỷ mũi đỏ ngoài biển khơi vừa đánh giặc trong làng cứu dân. Để tưởng nhớ công ơn của chàng, người dân Sầm Sơn đã lập miếu thờ ngay trên tảng đá có vết lõm dấu chân khổng lồ, tương truyền là bàn chân của chàng và sau này được gọi là đền Độc Cước.

Đường lên đền bắt đầu từ cổng tứ trụ tựa như những trục vũ trụ đem sinh khí từ tầng trên truyền xuống trần gian. Đỉnh của tứ trụ có trạm trổ hình tượng chim phượng và thần nghê với hàm ý chim phượng đem lời cầu khấn của bách gia trăm họ cùng khói của lư hương chuyển đến với thần thánh, còn thần nghê có tư thế nhìn xuống trần gian để soi xét tất cả lòng thành tâm đức của chúng sinh trước khi vào cửa đền. Tiếp đến là đường đi rộng khoảng 2m, gồm 40 bậc đá dẫn đến cổng Tam quan. Sau cổng Tam quan là khu vực đền nằm trên đỉnh hòn Cố Giải, tức hòn thứ 5 trong hệ thống phân loại dân gian của dãy núi Trường Lệ.

Đền nằm trên đỉnh núi Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ ở thị xã du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa, ngay cạnh bãi biển Sầm Sơn, được lập từ thời Trần (1225 – 1400) và bằng tre mái lợp tranh. Đến đời Hồng Đức (Lê Thánh Tông) sau một trận bão lụt lớn bỗng xuất hiện một cây gỗ chò rất to từ ngoài biển trôi dạt vào hòn Cổ Giải. Dân làng cho là thần đưa gỗ về làm đền bèn bảo nhau xẻ gỗ, thuê thợ dựng đền. Trải qua rất nhiều lần trùng tu nhưng điều kỳ lạ là ở nơi đầu sóng ngọn gió, qua bao phen giặc giã, chiến tranh nhưng ngôi đền vẫn được giữ nguyên vẹn.

Đền Độc Cước ở Sầm Sơn Thanh Hóa
Đền Độc Cước ở Sầm Sơn Thanh Hóa

Ngôi đền được chia làm ba khu vực: phía nam bên tả là phủ thờ mẫu, phía bắc bên hữu là tháp Nghinh Phong và khu vực trung tâm từ Tam quan trở vào là nơi thờ thần Độc Cước. Đền được xây dựng theo một thể thống nhất: nhà thấp, cột gỗ to, lớp ngói cũ, kiến trúc hình chữ đinh (dân gian gọi là kiến trúc hình chuôi vồ), là kiểu kiến trúc cổ gồm có hậu cung tức ngôi nhà đặt bàn thờ thần Độc Cước nối thẳng với trung đường và tiền đường ở phía trước. Đền quay mặt theo hướng Tây Nam, theo quan niệm của người xưa, hướng Tây là hướng vững chãi nhất, hợp với tính âm dương, chắn được gió bão từ biển khơi thổi vào.

Phía trong đền có tượng thần Độc Cước bằng gỗ chỉ có một tay, một chân. Chân tượng vững chắc trên hòn đá tảng, tay tượng có cây búa ở tư thế đang vung về phía sau để chiến đấu với loài quỷ biển. Đền có hai pho tượng ngựa đúc bằng đồng, cặp tượng phỗng tạc bằng đá khối, nhiều câu đối chữ Nho ca ngợi công đức của thần Độc Cước. Tượng thần Độc Cước cũng được đặt theo hướng của đền để cầu mong thần thánh yên vị và đem sức mạnh thần linh ban phát cho dân lành.

Đi về phía Nam là phủ mẫu thờ “Tam Tòa Thánh Mẫu”. Phủ này trước kia hoang phế, đổ nát, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương từ cuối năm 1992 mới được dựng lại. Đến năm 1996 nhờ lòng thành của du khách thập phương và bản hội bà thiều thị khoa ở phường Đông Sơn – TP Thanh Hóa đã xây dựng lại toàn bộ ngôi phủ và cổng Tam quan như ngày nay.